Đi làm thêm gần như là lựa chọn hàng đầu của sinh viên Việt Nam khi đi du học, để có thể giảm bớt được gánh nặng về kinh tế cho gia đình mình. Và khi mà nhu cầu về việc làm của sinh viên ngày càng lớn thì số lượng (cũng như chất lượng) vị trí làm việc của các cơ sở làm ăn do người Việt Nam mở ra (phần lớn là các quán ăn châu Á) trở nên thiếu hụt, không đủ cho con số sinh viên Việt Nam ngày một tăng lên này.
Từ đó, mục tiêu xin việc của sinh viên dần được chuyển hướng sang các cơ sở kinh doanh của nước ngoài, với lợi thế về sự đa dạng trong vị trí tuyển dụng, từ những việc làm chân tay như phục vụ, bồi bàn, lau dọn bếp, cho đến những công việc “sang” hơn như làm giấy tờ, hoặc ngồi trực văn phòng, được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh cao, cũng như rất nhiều cơ hội va chạm, học hỏi. Cùng với đó, mức lương mà các nhà tuyển dụng nước ngoài đưa ra thường cao hơn so với mức lương trung bình một sinh viên có thể kiếm được ở các quán ăn châu Á.
Nhờ những ưu thế vượt trội nói trên, “đi làm cho Đức” đang dần trở thành một khái niệm, hay chính xác hơn là mục tiêu chủ yếu của các du học sinh, với kì vọng có thể kiếm được một khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, phàm cứ quả ngọt thì sẽ mọc ở rất cao, khó lấy. Đi xin việc cũng vậy, để đạt được mục tiêu làm việc ở môi trường nước ngoài không phải dễ dàng, mà cần tới sự nỗ lực tuyệt đối ở bản thân mỗi người.
Làm thế nào để kiếm được việc làm thêm?
Bồi bàn
Công việc đầu tiên, công việc rất phổ biến và có lẽ là dễ xin việc nhất: bồi bàn ở các nhà hàng, khách sạn, hoặc đứng quầy ở các của hàng đồ ăn nhanh. Với tính chất là một công việc chân tay là chính, cùng với việc mọc lên nhanh như nấm thì cõ lẽ vị trí bồi bàn là một vị trí luôn luôn cần người, và vì vậy, yêu cầu thường không cao, “chỉ cần” nghe hiểu tiếng Đức nhanh, biết một chút tiếng Anh, và người làm cần phải hoạt bát, nhanh nhẹn, khéo léo. Và cũng vì là việc tay chân nên số tiền bạn nhận được không quá cao, nhưng bù lại, đây lại là công việc “lương ít lậu nhiều”, có rất nhiều khoản thu “béo bở” bên cạnh lương thực tế.
Tiền TIP
Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là công việc này toàn màu hồng. Đổi lại cho sự sung sướng về mặt vật chất, bạn sẽ không được hưởng các chế độ bảo hiểm tối thiểu một người đi làm đáng được nhận, sẽ không có sự bảo đảm về công việc, dễ bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Cùng với đó, những giờ nghỉ ngơi thoải mái, những đồng tip hào phóng kia cũng có cái giá của nó. Trên màn bạc, những cuộc vui, tiệc tùng, những lễ họp mặt, kỉ niệm của các sếp lớn thường được tổ chức ở các khách sạn sang trọng, đắt tiền, và được khắc họa thật xa hoa, đáng mơ ước. Tin vui là, bạn sẽ được dự tiệc, và còn vui hơn, bạn hoàn toàn không phải trả một đồng nào để được dự những bữa tiệc này. Tất cả những gì bạn cần làm “chỉ là” phục vụ đồ ăn, đồ uống, chạy thật nhanh với những khay đồ đầy ắp cốc chén và len qua đám đông đang vô tư nhảy múa, trong bộ đồng phục bất tiện của mình.
Yến Đỗ, SV ngành Maschinenbau, FH Hanover chia sẻ: Yến từng làm ở P.S.L Leipzig qua một người bạn giới thiệu. Bản thân bạn nếu chưa có kinh nghiệm phục vụ, làm bồi bàn, dọn dẹp (abräumen), chuẩn bị buffee (abbauen and aufbauen) và kỹ năng tính tiền (Kassieren) cần đăng ký thông tin cá nhân, số điện thoại, email và qua một khóa đào tạo về các kỹ năng mà phía công ty cần. Thông thường công ty sẽ hỏi bạn về thời gian bạn mong muốn và có thể làm việc được, sau đó họ sẽ lên kế hoạch trước 1 tháng. Vì công ty chuyên về tổ chức sự kiện nên người làm sẽ được học qua một khóa bưng bê, rót rượu… và phải trả chi phí 20€ cho việc bổ sung kiến thức này. Ngoài ra để phục vụ đồ ăn hoặc đồ ăn trong các nhà hàng của Đức thường phải có chứng chỉ vệ sinh sinh dịch tế, tay không được đánh móng, đeo nhẫn, đồng hồ hay trang sức (Bescheinigung des Gesundheítamtes nach Infektionsschutzgesetz xin ở gesundeitamt). Công việc trong công ty tổ chức đòi hỏi các bạn phải thao tác nhanh và linh động (flexible). Mỗi khi có các sự kiện lớn ở khách sạn, người phục vụ sẽ phải thức cả đêm đến rạng sáng ngày hôm sau để liên tục phục vụ đồ cho các thực khách mà không có lấy một phút nghỉ ngơi. Thức đêm đã mệt, bê trên mỗi tay 2, 3 đĩa đồ ăn cũng đâu phải dễ dàng gì. Cô bạn có kha khá kinh nghiệm trong vụ này kể lại, những ngày đầu học việc, chuyện giữ thằng bằng với 2 đĩa thức ăn lớn trên tay đã là cả một thành tích đáng được lên báo rồi, nhưng trong các buổi tiệc lớn, số lượng suất ăn cần phải phục vụ là rất nhiều, mà chẳng hề có những xe đẩy đồ ăn giống như trên phim, thế nên 2 đĩa một tay vẫn chẳng thấm vào đâu, vì vậy, dần dần bản thân phải tự hoàn thiện kĩ năng và cố gắng thăng bằng 3 đĩa thức ăn lớn trên 1 tay. Lương của công việc này sẽ được trả theo giờ theo luật của Đức, tức là €8.5/1 giờ cho minijob €450, tuy nhiên các nhà hàng, khách sạn sẽ thường xếp bạn vào mức lương dưới €400, thi thoảng lắm mới nhận được €420. Vậy nên cũng phải lưu ý rằng, không phải cứ xin được việc €450 là bạn sẽ chắc chắn kiếm được €450/1 tháng.
Bán bánh mỳ
Cũng làm ở khách sạn, nhưng thay vì phục vụ, bạn có thể xin bán bánh mỳ trong các buổi tiệc do khách sạn tổ chức. Thường để xin được việc ở các quầy bánh mỳ này này cần bạn nào có khả năng tiếng Đức tốt, có nơi vẫn cần viết đơn xin việc hay và gửi kèm cả CV, đơn xin việc còn cần phải viết hay, lay động lòng người. Thường làm ở các tiệm bánh sẽ được ăn uống thoải mái, mình phải ăn để biết loại nào ngon, dở, cứng, mềm để còn giới thiệu với khách. Sau một thời gian bán bánh mỳ, thường các bạn sẽ có xu hướng tìm việc ở McDonald, KFC hoặc Burger King. Ở những này, cơ hội được gặp nhiều trai xinh gái đẹp học Master hoặc Bachelor, ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Đức đều giỏi, nhanh nhẹn hoạt bát là rất lớn, dưới tư cách là khách hàng cũng có, mà dưới tư cách là đồng nghiệp cũng chẳng thiếu. Công việc ở những cơ sở này có phần áp lực vì đây là những nơi nổi tiếng toàn cầu, khách đông, và cần phải phục vụ đúng theo tiêu chuẩn được đề ra, bù lại, bạn sẽ có cơ hội rèn luyện ngoại ngữ khi được (phải) tiếp xúc với rất nhiều người đến từ khắp các nơi khác nhau trong nước và quốc tế. Kinh nghiệm của bạn Thủy – LMU – là thích ăn gì thì nên xin làm chỗ đó, thường sẽ có cơ hội được ăn, thậm chí ăn đến mức phát ngấy, vừa có động lực để làm việc.
Bốc vác
Nặng nề hơn đi phục vụ, nhưng có lẽ vẫn dễ dàng xin việc, có thể kể tới đi bốc vác. Việc này có lẽ chỉ dành cho các bạn nam sức dài vai rộng, có thừa thời gian, sức khỏe, thích cuộc sống về đêm mà lại không có đủ tiền để đi tập gym. Các bạn ở thành phố lớn nơi có kho hàng (Lager) ví dụ như Hamburg, thông qua một số công ty môi giới Zeitarbeit có thể tìm việc như sắp xếp hàng trong nhà kho, vận chuyển các thùng hàng. Tất nhiên công việc cũng có tính thời vụ, nên các bạn thường làm trong dịp hè, hoặc cuối năm, khi nào có việc, được coi là việc để kiếm thêm chứ không phải là việc làm ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác.
Làm việc ở siêu thị
Làm việc giấy tờ
Công việc bàn giấy không phải là việc dành cho tất cả mọi người, vì bên cạnh điều kiện nghiễm nhiên về ngôn ngữ, CV và Motivation letter là những tài liệu mang tính chất rất quan trọng khi xin việc ở những công việc này bởi chúng thể hiện được những kinh nghiệm bạn đã có và mục đích của bạn khi làm việc. Và vì yêu cầu về kinh nghiệm nên đây mới được coi là công việc không dành cho tất cả mọi người, vì hầu hết sinh viên mới chân ướt chân ráo đi học thì đã làm gì có kinh nghiệm gì ngoài luộc rau và rán trứng, do vậy, thông thường đối tượng đi xin việc là những sinh viên năm 3, 4 của Đại học, hoặc sinh viên học Master. Còn một sự thật nghiệt ngã nữa, ngay cả khi các mặt của bạn đều tốt thì các công ty nước ngoài rất hạn chế tuyển người nước ngoài, và khi đã tuyển thì Sở Lao Động ở Đức sẽ yêu cầu công ty trình bày lí do tại sao lại tuyển người nước ngoài chứ không phải là người Đức. Nghe thì sẽ cảm thấy rất bất bình, nhưng đó là sự thực. Vì vậy, tốt thôi chưa đủ, bạn phải thực sự xuất sắc để có thể thuyết phục được các nhà tuyển dụng rằng mình thực sự xứng đáng với vị trí ấy.
Khi bạn đã lọt qua khe cửa cực hẹp để đến với công việc bàn giấy “sang trọng” thì yêu cầu về việc làm cũng không hề đơn giản. Không như công việc phục vụ, không có một định mức rõ ràng để đánh giá công việc, bạn sẽ phải đối mặt với những người giám sát khó tính, luôn yêu cầu bạn phải hoàn thành một khối lượng công việc nhất định để có thể được coi là đạt yêu cầu, và khi bạn không thể đạt tới mức đó thì chuyện bị đào thải là lẽ đương nhiên, vậy nên áp lực công việc là rất lớn. Bên cạnh đấy, mặc dù mức lương có thể cao hơn đi làm phục vụ, nhưng việc kiếm thêm “ngoài luồng” là hoàn toàn không có, bạn thỏa thuận lương với công ty ra sao thì bạn sẽ nhận được đúng như vậy.
Bạn Thủy, người được nhắc đến ở trên, đã từng làm ở một hãng Logistik, với công việc là ngồi nhập họ tên, địa chỉ, mã vùng rồi in tem dán vào các hộp paket. Tuy nhiên, thông thường các hãng hay nằm ở vùng ngoại ô, không phù hợp với các bạn sinh viên vẫn đang sử dụng phương tiện công cộng để di chuyển, vì thế cũng chỉ được một thời gian ngắn là Thủy xin thôi việc ở đây do khó khăn về đi lại. Một ví dụ khác, bạn Vân – TUM với kĩ năng sử dụng phần mềm GIS đã xin được một chân làm việc việc cho các công ty về nhà nhà đất, với nhiệm vụ số hóa bản đồ. Tất nhiên, những công việc kể trên vẫn chỉ là các công việc nhận lương €450/tháng, chứ chưa phải là công việc với một vị trí chính thức trong công ty.
Đã không có thưởng, các công ty lớn lại còn hay phạt. Giờ giấc làm việc ở đây rất cứng nhắc, bạn không thể hi vọng mình đi muộn hơn 5, 10 phút mà không phải chịu một hình thức kỉ luật nào, hay sẽ được du di giống như đi làm phục vụ. Yếu tố chuyên nghiệp được đặt lên hàng đầu, vì vậy, với những ai có tính “cao su” mà muốn đi làm công việc bàn giấy thì một lời khuyên chân thành là hãy tập phong cách đúng giờ cho bản thân mình ngay từ bây giờ. Sự đúng giờ ấy cũng là để thể hiện bạn tôn trọng bản thân, và tôn trọng những người có mặt trong một tập thể. Nhiều bạn ngay khi còn ở Việt Nam cũng đã xác định sẽ vừa đi làm thêm vừa đi học, và để có thể đạt được mục tiêu ấy, bạn cần trang bị tiếng Anh, tiếng Đức và các phần mềm cần thiết. Ví dụ, dù bạn đã biết sử dụng thông thạo với giao diện tiếng Anh hoặc tiếng Việt, nhưng khi làm việc bạn có thể sẽ phải làm việc bằng phiên bản tiếng Đức, vì vậy bản thân nên chuẩn bị cho mọi tình hống, đừng để đến lúc xin được việc nhưng vì một lí do cực kì nhỏ khiến cho công việc bị gián đoạn, không hoàn thành được dẫn tới bị mất việc.
Khó khăn là vậy nhưng những gì bạn có được (về mặt lợi ích cá nhân) khi làm việc ở các công ty, tổ chức lớn lại hoàn toàn xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Bạn sẽ được hưởng các chế độ về bảo hiểm giống như một người đi làm thực sự, cùng với đó sẽ được kí hợp đồng làm việc, bảo đảm cho công việc của mình sẽ được kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài ra, CV của bạn sẽ được công thêm rất nhiều điểm trong mắt những nhà tuyển dụng tương lai ở các tập đoàn lớn khi bạn điền thêm tên của một công ty ở Đức, với một công việc bàn giấy nghiêm túc, và đóng góp của bạn được công nhận bởi người giám sát. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội xin vào làm ở các tập đoàn lớn của Đức đã lớn hơn rất nhiều, vì vậy, việc phải bỏ công sức, làm việc cật lực để hoàn thành số công việc được giao hoàn toàn không hề phí phạm chút nào, thâm chí, công việc đáng mơ ước còn trở thành động lực để bạn cố gắng hơn mỗi ngày khi làm việc cũng như học tập.
Cuối cùng, một lưu ý dành cho những ai đang nung nấu ý định đi làm ở Đức, tiếng Đức là điều kiện tiên quyết, quyết định rằng bạn có thể có được công việc mong muốn hay không. Có thể bạn biết tiếng Anh, nhưng như vậy là chưa đủ, vì rõ ràng bạn đang sinh sống và làm việc ở Đức, nơi ngôn ngữ được sử dụng trong đời sống cũng như công việc là tiếng Đức. Nếu yếu ở khoản này thì gần như chắc chắn bạn sẽ nhận được những cái lắc đầu từ nhà tuyển dụng. Tuy vậy, giỏi tiếng Anh không có nghĩa là vô dụng, bạn vẫn có cơ hội tìm được việc, nhưng sự đa dạng về ngành nghề sẽ không còn, cũng có nghĩa là thay vì có thể ứng tuyển vào 10 công việc khác nhau, giờ đây bạn chỉ có thể nộp hồ sơ cho 2 công việc, vậy là cơ hội đã bị hẹp đi trông thấy rồi!
Phải công nhận rằng, để có được một vị trí làm việc tử tế ở các cơ sở kinh doanh của Đức là một việc không hề dễ dàng với sinh viên châu Á, nhưng đừng để sự khó khăn ấy làm chùn bước bạn. Cơ hội nghề nghiệp là tùy ở bản thân bạn quyết định, rằng mình có thể có được công việc đó hay không. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đừng quá ham đi làm, để ảnh hưởng tới việc học của mình, mà cần cân nhắc thật kĩ xem công việc ấy có phù hợp với lịch học cũng như sức khỏe của bản thân không. Suy cho cùng, mục đích tối thượng của bạn khi sang đây là học mà!
Mặc dù đi làm ra (nhiều) tiền đúng là thích thật!
- Tất cả những chia sẻ về việc làm ở đây dành cho những người đi xin việc đã có đủ quyền cũng như trách nhiệm pháp lý đối với nước sở tại (ở bài viết này là Đức), khi đó những điều trên mới có thể được áp dụng, và mới khả thi. Khi bạn chưa được phép đi làm thì việc cố tình không tuân thủ luật pháp, dù rất ngầu, thường kéo theo nhiều rủi ro, vậy nên người viết không hề khuyến khích điều này.
- Du học sinh thường không có cơ hội nhận được công việc với mức lương quá €450/tháng.
- Những may mắn về tiền tip và sự dễ tính của ông chủ không phải là tuyệt đối ở tất cả các cửa hàng, người viết không chịu trách nhiệm về việc thực tế sai với kì vọng người đọc có được sau khi đọc bài này.
Tác giả bài viết: Đỗ Doãn Đức – Minda Hoang
Phần 1
Hướng dẫn đọc bảng lương khi đi làm thêm cho các doanh nghiệp của Đức